LỄ CẤP SẮC CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC DAO

LỄ CẤP SẮC CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC DAO

Người Dao là một trong 54 tộc người sinh sống ở Việt Nam, với nhiều nhóm khác nhau, cư trú tại các bản động vùng sâu, vùng xa thuộc nhiều vùng, miền của đất nước, trong đó có nhóm Dao Tiền và Dao Quần Chẹt định cư ở Phú Thọ. Trong quá trình hoà nhập với cư dân bản địa, đồng bào Dao không chỉ bảo tồn, lưu giữ những nét bản sắc riêng của dân tộc mình, mà còn chịu ảnh hưởng không nhỏ những nét văn hoá truyền thống của cư dân bản địa.

Dân số người Dao ở Phú Thọ chỉ đứng sau 2 dân tộc Kinh và Mường. Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 11.126 người Dao, chiếm 0,9% dân số toàn tỉnh, 6% dân số các dân tộc thiểu số trên địa bàn quê hương Đất Tổ. Đến nay, 12/13 huyện, thị, thành có người Dao sinh sống. Song chỉ có 3 huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập có đồng bào Dao sinh sống tập trung thành xóm, bản. Đó là người Dao tiền thuộc nhóm Tiểu Bản và người Dao Quần Chẹt thuộc nhóm Đại Bản. Xưa và nay, người Dao Tiền và Dao Quần Chẹt đều có quan niệm họ có cùng một nguồn gốc, là anh em với nhau, tuy có sự khác nhau về cách mặc, song cả hai nhóm đều thừa nhận Dao Tiền là anh, Dao Quần Chẹt là em. Người Dao sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và lúa nước. Nhà ở của đồng bào Dao thường làm theo lối nửa đất (phần trệt) nửa sàn, một nửa dựa vào thế núi, còn nửa kia làm sàn. Ngày nay, do đường xá lưu thông phát triển, nhiều hộ đồng bào Dao đã xây nhà gạch, dựng nhà gỗ kiểu cách như nhà của người Kinh ở dưới xuôi.

Hai nhóm Dao Tiền và Dao Quần Chẹt ở Phú Thọ đều có chung tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là Bàn Vương - ông Tổ (tô tem) của người Dao. Ngoài ra, người Dao còn thờ cúng các thần núi, thần rừng nơi người Dao quần cư sinh sống làm ăn. Đáng chú ý là một số nhóm người Dao ở Phú Thọ, ngoài việc thờ các vị thần: Thần trời, thần đất, thần sấm, thần sét, thần hoàng, các quan dù, quan lớp, quan lang, quan giáp (quen thấy ở một số ngôi miếu dựng sơ sài bằng tre nứa ở các xóm Dao) đồng bào Dao còn có các bài cúng các Vua Hùng, ông Tổ của dân tộc Việt Nam, cúng Đức vua Lê Thái Tổ, người có công che chở, cưu mang đồng bào Dao lúc ở Trung Quốc mới sang Việt Nam lánh nạn (theo truyền thuyết của đồng bào Dao).

Người Dao ở Phú Thọ nói chung có tới 12 dòng họ. Các dòng họ tiêu biểu là họ Triệu, Dương, Phùng, Trịnh, Bàn, Lý…, ở mỗi dòng họ lại có các nhánh khác nhau. Đồng bào Dao tuy sống xen kẽ với người Mường, về mặt văn hoá luôn có sự giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau, song về cơ bản "chất văn hoá Dao" vẫn giữ được bản sắc của mình, thể hiện qua các lễ tục như cưới xin, ma chay, Tết nhảy, lễ quét mả, lễ buộc vía… và đặc biệt là lễ cấp sắc.

          Cấp sắc là một tục lệ rất phổ biến trong dân tộc Dao. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng vòng đời của người Dao. Tất cả những người đàn ông người Dao đều phải kinh qua lễ này, thậm chí lúc sống chưa được cấp sắc, thì sau khi chết con cháu phải làm lễ cấp sắc. Cấp sắc không những chỉ là một tục lệ phổ biến mà còn là bắt buộc đối với tất cả mọi đàn ông người Dao. Đối với dân tộc Dao, người nào được cấp sắc thì mới có thể làm nghề cúng bái là điều mà người Dao rất quan tâm. Muốn vậy, không những phải biết cúng bái, biết làm các phép thuật mà điều quan trọng hơn cả là phải được thánh thần "công nhận" và được "cấp âm binh". Người nào được cấp sắc sau này chết, hồn mới được về đoàn tụ với Tổ tiên. Cấp sắc cũng còn có nghĩa là lễ "khai sinh" hay lễ nhận lấy tên của thánh thần ban định cho, cho nên những bản cấp sắc còn có ý nghĩa như là một "giấy thông hành" để sau khi chết có thể về ngay thế giới bên kia mà không phải qua kiếp bị đọa đầy ở âm phủ. Người nào được cấp sắc mới được xã hội coi là người lớn, người chưa được cấp sắc dù tuổi có già cả như thế nào đi nữa vẫn bị coi là trẻ con, và khi chết thì hồn chỉ được đưa về đến động Đào - hoa Đào - hoa Lâm - châu, không thể đưa về Dương Châu được. Người Dao còn tin rằng không được cấp sắc thì không "thống lĩnh" được âm binh của gia đình, do đó chúng sẽ làm loạn, làm nguy hại đến vận mệnh của con cháu trong gia đình và dòng họ. Đồng bào Dao có lòng tin sâu sắc rằng được cấp sắc thì làm ăn mới được may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới được thuận lợi, dòng họ dân tộc mới phát triển. Vì thế, dù tốn kém như thế nào người Dao cũng tổ chức cho bằng được nghi lễ này.

Lễ cấp sắc (lễ lập tĩnh, lễ chẩu đàng; tiếng Dao là “Quá tăng/ Tẩu slai hay là Phùn voòng, dịch sang tiếng Việt là “cấp đèn”) được làm lần lượt theo thế hệ và thứ bậc: Ông, bố, anh, em… theo độ tuổi từ 10 tuổi (Dao Quần Chẹt) hoặc 12 tuổi (Dao Tiền) trở lên và người Dao Tiền chỉ cấp sắc cho con trai chưa có vợ, còn người Dao Quần Chẹt chỉ cấp sắc cho con trai đã có vợ. Trong lễ cấp sắc, người đàn ông sẽ được đặt pháp danh - tên âm. Khi cúng bái chỉ dùng pháp danh này.

 

 

Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao (Ảnh: Nghệ sỹ Út Mười)

Trong tục cấp sắc có các cấp bậc thụ phong như sau:

- Quá tăng: Là bậc đầu tiên của cái thang cấp sắc, tất cả đàn ông người Dao đều phải qua bước này. Trong lễ "Quá tăng" người ta chỉ được cấp 3 đèn và 36 binh mã.

- Thất tinh là lễ cấp 7 đèn và 72 binh mã.

- Cửu tinh là bậc được thăng 9 đèn và 72 binh mã.

- Thập nhị tinh còn gọi là bậc "Tẩu slai" là bậc cao nhất được cấp 12 đèn và 120 binh mã.

Mỗi lần được thăng chức, nghĩa là được "Cấp thêm đèn" và "Tăng thêm âm binh" là một lần phải kèm theo một nghi lễ. Muốn chuyển từ cấp bậc này sang một cấp bậc khác cao hơn, phải có thời gian để học tập các sách cúng, học thêm các phép thuật, nghĩa là mỗi lần được "Thăng chức" trình độ hiểu biết về cúng bái được nâng cao thêm một bước, uy tín làm thầy cúng (thầy tào) càng lớn và càng có khả năng đảm nhiệm (chủ trì) các lễ cúng bái lớn.

Người ta có thể làm lễ "Quá tăng" cho nhiều người trong một dòng họ cùng một lúc. Nhưng trong các lễ thăng chức chỉ có thể "Thăng chức" cho một người. Tuy nhiên, trong cùng một lần cấp sắc, người ta có thể phong chức cho những người ở cấp bậc khác nhau. Nhìn chung, số người được cấp 7 đèn và 72 âm binh (bậc Thất tinh) không phải là nhiều, trong một xã chỉ có khoảng 4, 5 người. Những người được cấp 12 đèn và 120 binh mã, tức là đã qua lễ "Tẩu slai" lại càng hiếm, có khi cả vùng mới có 1, 2 người.    

Để làm lễ cấp sắc phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng: từ chuẩn bị các vật hiến tế, người chủ trì (thầy cúng), giúp việc đến các việc trai giới, chay tịnh, việc kiêng kỵ.

Lễ cấp sắc là một lễ thụ giới tôn giáo có những quy trình lễ thức chặt chẽ, điều này thể hiện rất rõ ràng: Ai muốn làm thầy cúng (thầy tào) thì nhất thiết phải qua lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc còn là một lễ thành nhân, ai đã qua lễ cấp sắc mới được coi là người lớn.

Người Dao có quan niệm trong tiềm thức sâu xa rằng: Ai muốn được công nhận là con cháu Bàn Vương - tức là đứng trong huyết thống dân tộc Dao, thì bắt buộc phải trải qua lễ thụ phong Đạo giáo tức là lễ cấp sắc, để được công nhận là tín đồ Đạo giáo dân gian để khi chết linh hồn mới được quy tụ về Đất Tổ ở Dương Châu. Người đàn ông dân tộc Dao phải qua lễ cấp sắc để tiếp nhận chính thức sự lưu truyền sức sống của người Dao, tạo cho sức sống của đạo (Đạo giáo) và đời (dân tộc Dao) có sự kế tục lâu dài. Người con trai trải qua lễ cấp sắc là có đầy đủ tư cách pháp nhân trước thần quyền và trước công luận (cả trong xã hội, gia đình và cộng đồng dân tộc), được công nhận như một người Dao chính thức.    

Lễ cấp sắc là tập quán xã hội phổ biến trong sinh hoạt của người Dao, có liên quan đến ý niệm tôn giáo, tinh thần đạo đức, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của mọi người. Trong lễ cấp sắc người ta dạy 10 thanh niên độ, 10 điều kiêng cấm, 10 lời thề. Những điều đó có tính chất tôn giáo, nhưng trong thực tiễn nó có ý nghĩa giáo dục nhất định, hướng người thanh niên làm điều ngay thẳng, dũng cảm, không mê sắc, không vụ lợi và sẵn sàng giúp đỡ người đồng thời cũng là bài học giáo dục lịch sử dân tộc, đạo đức, nhân cách con người phù hợp với tư tưởng, tình cảm, phong tục, tập quán, dân tộc. Đến với du lịch cộng đồng Xuân Sơn, du khách hòa mình vào không gian đời sống  sản xuất, sinh hoạt thường nhật của đồng bào dân tộc Dao Tiền, may mắn có thể được chứng kiến những nghi lễ truyền thống thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Dao đã có từ ngàn đời nay./.

Nguồn bài viết: Sổ tay Hướng dẫn Thuyết minh Du lịch Phú Thọ

Vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng

Vườn quốc gia Xuân Sơn hiện là điểm du lịch xanh thu hút nhiều du khách ghé thăm trong những năm gần đây. Với hệ sinh thái đa dạng các loài thực vật, động vật và chim bạn chắc chắn sẽ có chuyến đi thú vị, đáng nhớ khi được gần gũi với thiên nhiên.